Khi Nào Người Bệnh TIỂU ĐƯỜNG Được ĂN NGỌT?

(Biên soạn bởi Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng)

Khó tránh kiêng cử một khi vướng phải bệnh tiểu đường. Sức người có hạn. Đã kiêng có lúc bỗng phát… thèm! Trót thòm thèm càng lúc càng thèm hơn! Đó chính là nỗi khổ dằn vặt triền miên của người bệnh tiểu đường. Nhiều bệnh nhân đến lúc nào đó đành phá giới để chén một bữa no say. Oái oăm làm sao, cảm giác thèm ăn ghê gớm, thậm chí thèm ăn ngọt, lại xuất hiện khi lượng đường trong máu đã lên cao! Hậu quả là thực khách không về nhà mà lên đường đến phòng cấp cứu sau bữa ăn khoái khẩu!

Khi nào người bệnh tiều đường được ăn ngọt


Trên thực tế có thể phòng tránh chuyện vừa kể không mấy khó. Nhờ kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây, nhờ thầy thuốc bây giờ hiểu hơn về bệnh tiểu đường và cũng nhờ thuốc trị tiểu đường bây giờ công hiệu hơn xưa, nên chuyện kiêng cử của người bệnh tiểu đường không còn quá khắt khe như ngày trước. Quan trọng chính ở chỗ biết nương theo tiến trình biến dưỡng chất đường để ăn mà không hại.

Trước hết, đường huyết phải tăng cao sau bữa ăn. Chuyện đương nhiên với mọi người nhưng trầm trọng hơn ở bệnh nhân tiểu đường. Nếu đến bữa ăn kế tiếp mà lượng đường trong máu vẫn còn cao thì đường huyết tất nhiên sẽ bội tăng hơn nữa sau bữa ăn. Nhiều người bệnh, dù uống thuốc nghiêm túc, vẫn có lượng đường trong máu khó trở về định mức bình thường chẳng qua vì đường huyết cứ tiếp tục “góp gió thành bão” sau mỗi bữa ăn! Trên cơ sở vừa phân tích, muốn ăn nhiều hơn thường ngày một chút, thậm chí muốn thưởng thức món ngọt một chút cho bớt thèm, chỉ cần đợi đến lúc đường huyết xuống thấp, càng thấp càng tốt, hãy ngồi vào bàn ăn. Nếu có máy đo đường bên mình thì chuyện xác định lượng đường trong máu chỉ mất không đầy nửa phút. Nhưng nếu không có máy đo cũng không mấy quan trọng vì người bệnh tiểu đường nào hầu như cũng quá quen với cảm giác “hạ đường huyết”. Khi đó người bệnh có thể yên tâm thưởng thức chén cơm đầy, hay chọn món đang thèm, chén chè nhỏ, miếng bánh ngọt đừng quá lớn… thay cho bữa ăn rau cải chán phèo thường ngày mà không sợ đường huyết tăng cao. Như thế, mỗi lần muốn ăn ngon ngọt chỉ cần ráng nhịn ăn nhiều giờ để khoảng cách giữa hai bữa ăn càng xa càng tốt, nhịn hẳn một bữa càng hay.

Thêm vào đó, đừng quên vận động cho đổ mồ hôi trước giờ ăn để góp phần kéo đường huyết xuống thấp. Quan trọng hơn nhiều là vận ngay sau bữa ăn để xài cho hết lượng đường thặng dư trong máu. Rửa chén, lau nhà, quét dọn, đi bộ… làm gì cũng được, miễn là vận động. Nhưng cũng đừng quên uống nước sau khi vận động để bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất qua mồ hôi. Nước khoáng thiên nhiên vì thế tốt hơn cho người bệnh tiểu đường. Đường huyết của nhiều bệnh nhân rõ ràng ổn định sau khi người bệnh uống đủ lượng nước hàng ngày để góp phần pha loãng lượng đường trong máu. Đừng sợ uống nước rồi tiểu nhiều, tiểu đêm. Cảm giác khát nước là do lượng đường trong máu tăng cao. Chỉ hết khô cổ nếu kiểm soát được đường huyết. Thiếu nước thì có thừa thuốc đặc hiệu cũng bằng không!

Tiểu đường là căn bệnh quỉ quái khó lường. Muốn cao tay ấn phải tinh ranh hơn căn bệnh, ngay cả trong chuyện kiêng cử. Khéo chọn lúc đường huyết xuống thấp có thể yên tâm thưởng thức “gói khi đói” mà không sợ hậu quả như với “miếng khi no” khi lượng đường trong máu hãy còn cao. Cần gì phải đợi đến bệnh tiểu đường, chuyện gì cũng thế, tránh sao cho khỏi tràn ly nếu muốn rót cho nhiều mà chọn cốc đã đầy?!


Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.


==> Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay