Cuộc chiến KHÔNG chỉ vài ngày

(Biên soạn bởi Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng)

Trái với phỏng đoán của nhiều người, kể cả không ít thầy thuốc, tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khi lên tiếng cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm nhất cho các quốc gia ở vùng Đông Nam Á trong thập niên trước mặt lại không đề cập bệnh bội nhiễm lây lan nào đó, ngay cả bệnh Sida cũng không, mà là bệnh Tiểu Đường!
 

 
Nhận xét của tổ chức này tất nhiên có cơ sở hoàn toàn vững chắc vì được đúc kết từ thực tế là:
  • Thống kê trên bất cứ quốc gia nào, cho dù đã giàu mạnh hay còn đang phát triển, đều cho thấy số người bị bệnh tiểu đường gia tăng với vận tốc quá nhanh nếu so sánh với bệnh tim mạch, ung thư, ngay cả với bệnh bội nhiễm ở các nước còn nghèo khó!
  • Con số thống kê chính thức về tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường lại chỉ là phần nổi quá cạn của tảng băng chìm rất sâu. Số người đã mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa biết bao giờ cũng tối thiểu tròm trèm với số người đã được định bệnh. Ở nhiều nơi, con số chính thức thậm chí cần được nhân 3! Đó là chưa kể đến số đối tượng khó tránh căn bệnh quái ác này vì nếp sinh hoạt hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi để tụy tạng mau kiệt sức. Con số 2,5 đến 3 triệu bệnh nhân tiểu đường ở nước mình đã được ước tính trong năm vừa qua là đánh giá quá thấp, nếu so sánh với thống kê đã được chúng tôi tiến hành ở TP HCM qua nhiều đợt tầm soát bệnh tiểu đường cho đủ mọi lứa tuổi.
  • Mặc dầu với nhiều tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị, tỷ lệ biến chứng của bệnh tiểu đường như hoại tử đầu chi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, mù mắt… vẫn còn quá cao!

Ngày nào chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, bệnh tiểu đường chắc chắn sẽ không chỉ là gánh nặng tích lũy cho ngành y tế, sẽ không chỉ là lý do gây thâm hụt tài chánh trầm trọng cho nhiều gia đình có người bị bệnh. Đó còn là nguyên nhân đục khoét tiềm năng lao động, học tập của nhiều người trong khi đất nước đang cần nhiều bàn tay góp sức xây dựng. Chuyên gia của WHO đã không quá lời khi đặt tên cho bệnh tiểu đường là “cơn đại dịch của thế kỷ” vì bệnh tuy không lây lan nhưng phát tán quá nhanh với nhiều hậu quả ác nghiệt.

Bệnh tiểu đường sở dĩ vẫn chiếm thế thượng phong mặc dầu không thiếu thuốc, mặc dầu chỉ cần không đến nửa phút để tầm soát bệnh là vì vài vấn đề cốt lõi:

  • Trước hết, rất nhiều người, kể cả phần lớn bệnh nhân tiểu đường, vẫn chưa được thông tin đúng mứcđúng cách, nghĩa là với ngôn ngữ thật gần người bệnh, thay vì với ngôn từ chuyên môn khó hiểu của thầy thuốc, về căn bệnh đang đe dọa mọi người, không chừa một ai, và nhất là về các biện pháp không quá phức tạp để cầm chân căn bệnh này.
  • Kế đến, bệnh tiểu đường đã và đang biến thể khó lường ở thế kỷ 21. Mô tả trước đây về bệnh tiểu đường với ba triệu chứng kinh điển như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, như bệnh lý của người lạm dụng chất đường, của người lớn tuổi… hiện nay không còn chính xác. Nhiều người, kể cả thầy thuốc, vì thế đánh giá sai lệch mức độ nguy hại của bệnh tiểu đường, khi thì quá thấp, lúc lại quá cao.
  • Thêm vào đó, nhiều người hiểu sai do định kiến về bệnh tiểu đường. Một số không ít vẫn theo quan niệm bệnh này là bệnh nan y. Nhiều người vì thế hoặc chọn thái độ né tránh biện pháp tầm soát, cứ như chưa biết chưa bệnh, hoặc buông xuôi phó thác cho định mệnh một khi vướng bệnh theo kiểu đằng nào cũng thua. Hậu quả là bệnh tiểu đường chiếm thế thượng phong một cách đáng tiếc.

Tuy càng lúc càng có nhiều thông tin về bệnh tiểu đường trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tuy là nhiều cơ sở y tế đã bắt đầu tiến hành mô hình tầm soát tiểu đường miễn phí cho người muốn đối đầu với căn bệnh thời đại, nhưng lời cảnh báo về bệnh tiểu đường ở xứ mình vẫn chưa vang xa.

Có một điều chắc chắn. Chỉ có thể chặn đứng căn bệnh quái ác này với biện pháp quảng bá kiến thức y học liên tục từ nhiều phía, từ thầy thuốc cho đến nhà báo, để người đã bệnh yên tâm vì hiểu cách chữa bệnh, để người chưa bệnh chủ động phòng bệnhkhông còn sợ bệnh. Không có cách khác vì không thể chống bệnh tiểu đường trong vài ngày. Cũng không thể đợi đến ngày mai vì nếu bắt đầu ngay từ hôm nay cũng đã là quá muộn!


Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.


==> Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay