Đâu Là NHƯỢC ĐIỂM Trong Bệnh TIỂU ĐƯỜNG?
(Biên soạn bởi Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng)
Đã vướng phải bệnh tiểu đường thì từ đầu đến chân đều là mặt trận hở sườn do tác hại của tình trạng xơ vữa mạch máu chực chờ từng cơ hội. Không nói chi đến hậu quả nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, một trong các hình ảnh bi thảm của căn bệnh này là vết loét hạ chi biến nhanh sang hoại tử, bội nhiễm đến độ thầy thuốc đành tháo khớp, đoạn chi bệnh nhân. Đáng nói là tỷ lệ đoạn chi ở các nước đã có chương trình phòng chống bệnh tiểu đường từ nhiều chục năm vẫn tiếp tục tăng! Tình trạng đó sở dĩ vẫn còn là cơn ác mộng triền miên của người bệnh tiểu đường vì các mạch máu nhỏ rất dễ bị thuyên tắt nếu bệnh không nằm trong vòng kiểm soát.
Hệ thống vi mạch bao giờ cũng là miếng mồi ngon trong bệnh tiểu đường. Mạch máu càng xa trái tim càng dễ tắt nghẽn, vì:
• dòng máu đậm đặc hơn bình thường do tăng mỡ máu
• thành mạch máu dễ bị thương tổn do tác hại của rối loạn biến dưỡng chất đường khiến tiểu cầu, chất mỡ, chất vôi… có cơ hội kết dính vào mặt trong thành mạch.
• mạch máu co thắt thái quá vì trục trặc khó tránh trong khâu thần kinh – nội tiết của người bệnh có lượng đường huyết không ổn định
Đường huyết càng dao động, hiện tượng xơ vữa vi mạch càng nhanh chân chiếm thế thượng phong. Tình trạng thiếu dưỡng khí cục bộ quanh vùng mạch máu chai cứng khi đó không mời cũng đến. Hậu quả tất nhiên nghiêm trọng nếu nơi thiếu dưỡng khí là não bộ, thành tim, nhưng cũng kém phần nhiêu khê nếu mục tiêu là mạch máu ở bàn chân. Hoại tử mô mềm hạ chi rất dễ xảy ra ở người bệnh tiểu đường vì:
• Bên cạnh chuyện xơ vữa, mạch máu chi dưới, nhất là ở vùng cổ chân phải chịu áp lực liên tục của trọng lượng cơ thể, ngay cả khi nằm. Áp lực trên mạch máu chi dưới tất nhiên càng cao hơn nữa nếu bệnh nhân béo phì, nếu người bệnh đã suy tĩnh mạch, chẳng hạn ở phụ nữ nhiều lần sinh nở.
• Đa số bệnh nhân không được hướng dẫn về cách theo dõi và chăm sóc bàn chân.
• Không ít thầy thuốc vì mãi nhìn quá cao nên bỏ sót bàn chân người bệnh trong khâu khám bệnh.
Biện pháp bảo vệ bàn chân cho người bệnh tiểu đường vì thế phải tập trung vào mục tiêu:
• Vệ sinh bàn chân để tránh bội nhiễm vi khuẩn, nấm mốc. Nên nhớ là vết thương khó lành ở người bệnh tiểu đường vì vận tốc phục hồi da niêm ít nhiều bị trì trệ do rối loạn biến dưỡng. Viêm kẻ móng, viêm da ở người khác chỉ là chuyện nhỏ nhưng với người bệnh tiểu đường là một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn đến hoại tử mô mềm. Đó cũng là lý do vì sao đôi giày đúng kích cỡ rất quan trọng ở người bệnh tiểu đường.
• Giữ cho máu loãng để vừa giảm áp lực trong động mạch, vừa tránh khối đông huyết trong tĩnh mạch. Đó là lý do tại sao thầy thuốc Tây Y chú trọng hoạt chất bảo vệ tính thẩm thấu của thành mạch, chẳng hạn với alpha lipoic acid, flavoinoid, sinh tố C… thầy thuốc Đông Y bao giờ cũng dùng thuốc “hoạt huyết” trong bệnh tiểu đường.
Muốn giữ bàn chân cho người bệnh tiểu đường phải bảo vệ cho bằng được mạng lưới mạch máu. Mục tiêu đó khó khả thi nếu chỉ trông mong vào viên thuốc hạ đường huyết bằng hóa chất tổng hợp. Đó cũng chính là lý do tại sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc trở về với dược liệu thiên nhiên, càng lúc càng có nhiều nhà điều trị phối hợp hoạt chất sinh học trong phác đồ điều trị, thay vì chỉ chú trọng vào thuốc hạ đường huyết để rồi có ngày trở tay không kịp!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
==> Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.