GỈAM ĐAU KHÁC XA TRỊ KHỚP!

Trong ngôn ngữ nước mình có nhiều tiếng kép khéo vô cùng về ý nghĩa. Một trong số đó là hai tiếng cốt lõi. Nếu chỉ bàn riêng về hệ vận động trong cơ thể con người thì phần lõi, phần quyết định của cốt, của xương, chính là sụn khớp. Đây cũng chính là chuyện cốt lõi trong điều trị bệnh khớp vì hiện nay không thiếu thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm nhưng thuốc thực sự tác động trên cấu trúc của sụn khớp vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.
 

 
Chữa bệnh khớp rõ ràng hiệu quả hơn ngày xưa nhờ nhiều loại thuốc đời mới vừa tác dụng nhanh, vừa ít phản ứng phụ. Nhưng nếu tưởng như thế đã đủ để cầm chân bệnh khớp thì sai. Giảm đau không đồng nghĩa với lành bệnh khớp vì cho dù có giảm được đau trước mắt nhưng tiến trình thoái hóa khớp vẫn ngấm ngầm bào mòn xương khớp. Nếu xưa nay thầy thuốc chạy quanh đủ kiểu để tìm cách ức chế chất sinh viêm khớp, chất gây đau từ ổ viêm, chất làm rối loạn biến dưỡng đầu xương khiến chỗ dày chỗ mỏng, chất làm cứng bao khớp… nhưng hiệu quả vẫn không như mong muốn chẳng qua vì vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Đó là làm sao để khớp đừng biến dạng. Lý do rất đơn giản.Có giảm đau khéo cách mấy thì khớp vẫn biến dạng, khớp vẫn bị giới hạn vận động nếu đầu xương, nếu sụn khớp bị bào mòn nên xẹp, nên trục khớp lệch trục bình thường và từ đó vừa mất cấu trúc khỏe mạnh vừa giới hạn vận động của nạn nhân.
 

Không nói chi đến corticoid, ngay cả việc dùng hoạt chất thiên nhiên ở liều cao, như strychnine trong mã tiền, để giảm đau cho nhanh, tuy trước mắt hài lòng “khách hàng” nhưng về mặt cơ chế tác dụng chỉ là đòn bẩy để khớp mau bị thoái hóa. Chuyên gia ở học viện nghiên cứu bệnh cột sống ở Berlin đã chứng minh thuốc giảm đau nhanh là một trong các lý do khiến thoái hóa khớp nhanh chân hơn vì thuốc giảm đau càng mạnh, sụn khớp càng mau bị bào mòn do phản ứng phụ khó tránh của thuốc. Thêm vào đó bệnh nhân càng ít chịu khó tập luyện cho khớp mau phục hồi.

Thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị căn nguyên đã hiểu từ lâu là muốn đầu xương hấp thu dưỡng chất trong bao khớp thì phải vận động. Thiếu vận động thì có muốn bao nhiêu thuốc bổ xương, bao nhiêu canxi cũng chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ vì dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc của sụn khớp không vào đến nơi mong muốn. Cấu trúc của sụn là một phức hợp bao gồm mạng lưới collagen trên đó trãi đều chất đạm. Không nói chi đến trường hợp suy dinh dưỡng, cho dù có tiếp tế cho cơ thể đầy đủ chất đạm thì sụn khớp vẫn sứt mẻ dễ dàng nếu thiếu collagen vì khi đó sụn khớp chẳng khác nào công trình xây dựng bề ngoài xem hoành tráng nhưng bên trong bị “rút ruột”!


Gronmeyer, thầy thuốc nổi tiếng ở CHLB Đức về bệnh khớp, ắt hẳn có cơ sở vững chắc khi quả quyết 70% hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh khớp, nhất là để ngăn chặn thoái hóa khớp, tùy thuộc vào việc bệnh nhân có được hướng dẫn để:
tự tập một số động tác thể dục cho khớp trong và sau khi điều trị bằng thuốc.
tham gia thể dục thể thao ngay cả khi còn đau dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của thầy thuốc để biết môn nào nên chơi, môn nào nên tránh.
• chú trọng các phương pháp không dùng thuốc uống, như châm cứu, siêu âm, laser, ngâm đắp thuốc vì có tác dụng không kém thuốc đặc hiệu và ít phản ứng phụ.

Không khó nếu trị khớp mà chỉ tập trung vào mục tiêu giảm đau để chữa cháy cầm canh. Vụng về chỉ ở điểm khớp bớt đau nhưng khớp vẫn bệnh. Quan trọng hơn nhiều là làm sao cùng lúc bảo vệ khớp để khớp đừng thoái hóa. Khớp mà không động không còn là khớp. Trị bệnh khớp vì thế phải chủ động và linh động trong vận động.


(trích từ ấn phẩm “Viết vì người muốn chơi tới bến”)
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Phòng Khám EUROVIE, Tp. HCM

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay