KHÔNG HẲN CHỈ VÌ THIẾU VỐI!

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ắt hẳn không thể vô cớ khi xếp loãng xương vào nhóm 10 căn bệnh phổ biến nhất trong thế kỷ 21. Đáng lo là phải vì nói theo kiểu thống kê, mỗi phút đều có vài người ở lục địa nào đó bị gãy xương, cho dù chấn thương không đến độ nghiêm trọng, chỉ vì xương quá loãng!
 

Lời báo động về mối nguy của loãng xương của thầy thuốc khắp nơi hoàn toàn có lý khi 1/3 số phụ nữ từ tuổi ngũ tuần là nạn nhân của căn bệnh ngấm ngầm mà quái ác này. Tỷ lệ mắc bệnh thậm chí tăng đến 50% khi các bà bước qua tuổi 70! Vấn đề lại không hề dừng lại ở chỗ đau nhức hay gãy xương. Loãng xương, hay nói đúng hơn, hậu quả đa dạng của căn bệnh này, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát chất lượng của cuộc sống. Có thực mới vực được đạo. Xương quá loãng đồng thời là lý do gây thâm thủng túi tiền của người bệnh lẫn ngành y tế. Bằng chứng là vì 8 triệu người loãng xương, nghĩa là gần 10% dân số, mà các hãng bảo hiểm y tế ở Đức phải kêu trời như bọng vì tốn hàng năm không dưới 5 tỷ Euro! Tệ hơn nữa là quan chức ngành y bên đó hiện vẫn chưa có cách nào để giải quyết vấn đề khi số bệnh nhân của năm tới chắc chắn lại tăng! Bên mình chắc cũng không khá gì hơn.

Chính vì thế mà nhiều người có lý khi lo sợ xương bị loãng. Cũng chính vì thế mà nhiều người tập trung, cho dù nhiều khi có phần cường điệu, vào chế độ dinh dưỡng dồi dào chất vôi. Không lạ gì khi sữa lúc gần đây là món hàng khó ế khi đâu đâu cũng bàn về loãng xương. Không sai vì loãng xương đúng là do thiếu chất vôi trong mô xương. Nhưng cũng không hẳn hoàn toàn chính xác nếu tưởng chỉ cần có vôi là đủ để giải quyết toàn bộ vấn đề. Bằng chứng là không thiếu người ăn uống đầy đủ chất vôi nhưng xương vẫn loãng! Lý do là vì xương có thể loãng dễ dàng, còn gọi là bệnh loãng xương thứ phát,  do hậu quả của nhiều bệnh chứng trước đó không được điều trị đến nơi đến chốn. Thí dụ:

-  Viêm ruột mãn tính.

-  Thấp khớp.

-  Tiểu đường nhóm II.

-  Hội chứng mãn kinh.

-  Bệnh cường tuyến giáp.

-  Viêm thận mãn.

cũng như do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc thấp khớp, thuốc trị ung thư vú…


Trong những trường hợp vừa kể có uống sữa đến đầy bụng, có uống thuốc có canxi đến phát ớn cũng chẳng ích gì nếu không chữa dứt căn bệnh dẫn đến loãng xương. Nhớ uống sữa là điều tất nhiên nên làm nhưng quan trọng hơn nữa là đừng quên vai trò không thể thay thế của thầy thuốc. Nếu xưa nay chỉ cần uống sữa đã đủ để chống loãng xương thì làm gì có nhiều người bệnh đến thế!


Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.


 

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay