Tại sao cần KẼM khi CẢM CÚM?

Khó cảm cúm mà không sốt. Toàn bộ tiến trình biến dưỡng trong cơ thể phải ít nhiều bị xáo trộn khi thân nhiệt tăng cao. Khi đó cơ thể dễ thiếu hụt một khoáng tố vi lượng do hệ thống miễn dịch làm việc cháy máy. Đó là kẽm!

Nhờ nhiều hiểu biết về khoáng tố vi lượng trong hai thập niên gần đây nên thầy thuốc càng lúc càng rõ về vai trò đa dạng của kẽm. Như đã được xếp loại vào nhóm khoáng tố vi lượng, cơ thể con người chỉ dự trữ không hơn vài gam kẽm trong máu, xương, mắt và tụy tạng. Nhưng cơ thể lại tiêu thụ rất nhiều kẽm trong ngày, nhất là ở thai phụ, người đang cho con bú, vận động viên, người có cuộc sống căng thẳng, đối tượng mới bị chấn thương, bội nhiễm, người phải sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm… Trên lý thuyết, cơ thể cần 15mg kẽm mỗi ngày. Nhu cầu trên thực tế theo nhiều kết quả nghiên cứu lại cao hơn gấp bội, thậm chí gấp 3-5 lần như thế trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng hiện nay.
 


Cơ thể sở dĩ tiêu dùng kẽm thẳng tay vì kẽm là nhân tố không thể thiếu hầu đảm bảo nhiều chức năng quan trọng, như:

Tăng cường hiệu quả của hệ miễn dịch. Thiếu kẽm thì chức năng này hoặc ù lì chịu chết, hoặc phản ứng thái quá theo kiểu trật đường rầy. Chính vì thế mà nhiều trường hợp dị ứng chữa hoài không xong chỉ vì thầy thuốc quên… kẽm!

Tối ưu hóa hoạt tính của insulin. Nhiều người bị bệnh tiểu đường oan uổng, nhiều người bệnh tiểu đường uống thuốc cả lố nhưng đường huyết không ổn định chẳng qua vì thiếu kẽm nên insulin tuy có mà như không. Nhiều nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường thậm chí quả quyết là việc áp dụng thuốc có kẽm cho người từ tuổi trung niên có khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Ổn định chức năng tư duy. Rất nhiều người, nhất là người trẻ phải đồng hành cùng stress, đãng trí thấy rõ là do thiếu kẽm! Tình trạng này tất nhiên được cải thiện rất nhanh sau khi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc có kẽm với hàm lượng cao.

Hưng phấn chức năng sinh dục. Nếu tưởng tình trạng giảm thiểu đến độ rối loạn chức năng sinh dục, của cả hai phái, là do thiếu nội tiết tố thì lầm. Không dưới 50% trường hợp là do thiếu kẽm nên tiến trình tổng hợp nội tiết tố bị xáo trộn. Nói cách khác, bổ sung định kỳ hay thậm chí áp dụng thuốc kẽm thường xuyên là một trong các biện pháp an toàn để giữ chức năng sinh dục trong định mức làm hài lòng gia chủ.

Chưa dừng lại với bấy nhiêu nhiệm vụ quan trọng. Nhược điểm của kẽm là cơ thể phải trông cậy hoàn toàn vào nguồn cung ứng từ thực phẩm. Chỉ cần ít ngày không đủ kẽm thì dấu hiệu mệt mỏi, buồn phiền, vết loét lâu lành, đau nhức cơ khớp… đã có thể nhanh chân xuất hiện. Tình trạng này nếu kéo dài thì chắc chắn rối loạn thị lực, bệnh ngoài da, giảm thiểu ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt và nhất là mất ngủ không mời cũng đến. Tất cả chỉ vì hầu như mọi hoạt động của tuyến thượng thận, cơ quan đứng mũi chịu sào trong hoạt động kháng bệnh, đều cần có kẽm. Cũng chính vì thế mà người được kịp thời bổ sung kẽm bao giờ cũng hồi phục sau chấn thương, bội nhiễm, hóa trị, xạ trị… nhanh hơn người thiếu khoáng tố này.

Điều may mắn cho bệnh nhân là việc chẩn đoán tình trạng thiếu kẽm lại không khó qua xét nghiệm máu hay phân tích tóc. Khó chỉ ở chỗ không phải thầy thuốc nào cũng nhớ đến kẽm khi chính nhiều thầy thuốc đang thiếu kẽm vì căng thẳng với công việc quá tải! Vì thế mà một chế độ dinh dưỡng dồi dào chất kẽm, như với nghêu sò, gan bò, mễ cốc…, nếu như bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu như gia súc và nông sản được nuôi trồng đúng cách để bảo đảm hàm lượng kẽm trong món ăn, là biện pháp rất quan trọng để bệnh lý do thiếu kẽm không có cơ hội thành hình.

Với đối tượng dễ thiếu hụt kẽm như người bệnh ngoài da, tiểu đường, thấp khớp, viêm ruột mãn… việc dùng thuốc có kẽm, tất nhiên theo hướng dẫn của thầy thuốc, trong đa số trường hợp là biện pháp thiết yếu, thay vì chỉ trông mong vào chế độ dinh dưỡng. Trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng hiện nay, khó tránh thiếu này thiếu kia, nhưng nếu muốn tiếp tục kéo cày cho lâu, tối thiểu không nên thiếu kẽm!


Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

==>  Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để có nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.


MỘT SỐ BÀI VIẾT RẤT HỮU ÍCH KHÁC CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG VỀ KHOÁNG TỐ KẼM:

 

1.  VAI TRÒ CỦA KẼM ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI.  Xem tại: https://bit.ly/35ubUe0

2.  KHÔNG cần THỪA, nhưng ĐỪNG THIẾU! Xem tại: https://bit.ly/2LIOomr

3.  Thiếu gì VẾT THƯƠNG LÂU LÀNH? Xem tại: https://bit.ly/3oxjDQ0

4.  KHÔNG hẳn hễ trẻ NGỨA là DỊ ỨNG! Xem tại: https://bit.ly/39oFnY7

5.  Đừng lạm dụng thuốc chống dị ứng. Xem tại: https://bit.ly/3nz5Sik

6.  Vài điều hay HIỂU LẦM về KẼM. Xem tại: https://bit.ly/2LBYdmq

7.  Dùng thuốc KẼM có HẠI gì không? Xem tại: https://bit.ly/39oPtYO

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay