TẠI SAO LOÉT HOÀI KHÔNG KHỎI?
Lời tòa soạn: Nhằm mục tiêu mang kiến thức y học đến thật gần độc giả, Người Đô Thị (NĐT) hân hạnh khởi động loạt bài liên quan đến các căn bệnh thời đại qua đàm thoại với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng(LLH), ngòi bút quen thuộc trên chuyên mục “Bệnh Đô Thị”.
NĐT: Tại sao lại có tình trạng nghịch lý là tuy không còn thiếu thuốc trị đau bao tử nhưng số người bệnh dường như chỉ tăng chứ không hề giảm?
LLH: Đúng là ngành y hiện nay không thiếu thuốc để cắt cơn đau theo kiểu chữa cháy cầm canh. Nhưng đó chưa thể là giải pháp vì vẫn thiếu phương án điều trị căn nguyên, trong nhiều trường hợp lý do tái phát nằm rất xa tầm tay của thầy thuốc. Thêm vào đó, chuyện nhỏ rất dễ xé ra to vì không ít người bệnh không có thời giờ để chữa bệnh cấp đến nơi đến chốn trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng tuy được tiếng văn minh nhưng trái ngược với qui luật của thiên nhiên. Đó cũng là lý do tại sao bệnh từ dạng cấp chuyển quá nhanh sang thể mãn tính.
NĐT: Cơ chế sinh bệnh viêm loét dạ dày có phức tạp lắm không mà bệnh lại khó chữa đến thế?
LLH: Cơ chế sinh bệnh tuy không quá phức tạp nhưng khi điều trị lại nhiêu khê vì mâu thuẫn giữa tiến trình bảo vệ niêm mạc dạ dày và bài tiết dịch vị. Để làm tròn công việc tiêu hóa cơ thể cần chất chua trong dạ dày, còn gọi là dịch vị. Thiếu chất này thì trì trệ tiêu hóa nhưng quá thừa thì niêm mạc khó tránh bị viêm tấy rồi sau đó là vết loét ở các tụ điểm mong manh của dạ dày như vùng thượng vị. Tình trạng này tất nhiên nhanh chân hơn nếu vì lý do nào đó mà sức đề kháng của niêm mạc dạ dày suy giảm, chẳng hạn vì gia chủ trước đó thường tự ngâm bao tử bằng rượu bia, hay tự hưng phấn bài tiết dịch vị qua cuộc sống tham sân si…
NĐT: Tại sao bệnh vừa dây dưa lại thêm dễ tái phát?
LLH: Trước hết, vì nhiều yếu tố, từ chế độ dinh dưỡng thất thường bước qua tình trạng căng thẳng tinh thần là đòn bẩy để bệnh dễ tái phát. Kế đến, bệnh không được điều trị đến nơi đến chốn hoặc do bệnh nhân ngưng thuốc quá sớm hoặc do thầy thuốc chỉ chú trọng vào triệu chứng. Thêm vào đó, cũng không thiếu trường hợp vì bệnh nhân tuy được điều trị năm này qua tháng khác nhưng thầy thuốc không lưu ý đến vai trò của sức đề kháng và các nhân tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Chữa viêm loét dạ dày không đồng nghĩa với giảm đau.
NĐT: Trong thời gian gần đây vi khuẩn Helicobacter được đề cập rất thường trên các phương tiện truyền thông như nguyên nhân khiến bệnh tái phát. Chuyện đó thực hư thế nào?
LLH: Đúng là vi khuẩn này có vai trò phá hoại trong viêm loét dạ dày và thậm chí trong nhiều bệnh khác ngoài đường tiêu hóa. Tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter là một trong các nguyên nhân làm mất tác dụng của thuốc trị viêm loét, trì hoãn tiến trình phục hồi và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tái phát. Tuy vậy, đúng thầy đúng thuốc, có bệnh có thuốc, người bệnh và nhất là người chưa bệnh không nên vì các bản tin có nội dung quá hù dọa mà phản ứng cường điệu. Nhiễm khuẩn Helicobacter không đồng nghĩa với ung thư.
NĐT: Nhiều bệnh nhân đau dạ dày thắc mắc sau nhiều lần khám bệnh vì khi thì thầy thuốc cho uống thuốc trước khi ăn, lúc thì sau bữa ăn. Trong lần khám bệnh vừa qua thầy thuốc dặn uống thuốc sau khi ăn, có khi lại không giống lời khuyên trong tờ bướm. Bệnh nhân nên uống thuốc theo kiểu nào?
LLH: Trong mọi trường hợp kinh nghiệm của thầy thuốc quan trọng hơn hướng dẫn trong tờ bướm. Thuốc trị viêm loét có nhiều cơ chế tác dụng khác nhau. Vì thế có thuốc cần uống trước bữa ăn, có thuốc phải uống sau bữa ăn, uống ra sao tùy thầy thuốc chọn thuốc loại nào. Tốt nhất là phối hợp thuốc trước và sau bữa ăn vì dịch vị được bài tiết không cùng lúc với bữa ăn.
NĐT: Nhiều người uống sữa khi đau dạ dày nhưng uống vào lại đau nhiều hơn? Xin cho biết lý do?
LLH: Sữa có tác dụng kháng acid nhờ tính kiềm nên giảm đau trong giai đoạn cấp tính. Nhưng khi dùng quá thường thì sữa làm mất canxi khiến tăng tính cảm ứng của cảm thụ thần kinh, hưng phấn phản ứng bài tiết chất chua qua hệ thần kinh phó giao cảm và gây co thắt cơ trơn đường tiêu hóa. Sữa khi đó khiến cơn đau dạ dày trầm trọng hơn.
NĐT: Không ít bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh đắt tiền vì nhiễm khuẩn Helicobacter nhưng chưa hết liệu trình đành ngưng thuốc vì quá mệt. Có cách nào khác hay đành chịu vậy?
LLH: Một số bệnh nhân không chịu nổi liệu trình phần vì thuốc công phá quá mạnh, phần vì liều lượng không hợp cho người có cơ tạng ốm yếu. Một số không ít bệnh nhân tiền mất tật mang vì lờn thuốc kháng sinh trước đó. May mắn là có nhiều dược thảo với công năng kháng khuẩn Helicobacter như tỏi, nghệ, trà xanh, chè dây… Nhờ đó vẫn có thể điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter nếu biết cách áp dụng cây thuốc. Tác dụng tuy hòa hoãn nhưng mặt khác an toàn.
NĐT: Nhiều người cữ chua, cữ cay thật kỹ nhưng vẫn không hết bệnh. Đã vậy có khi ăn món không chua không cay mà đau nhiều hơn. Tại sao lạ vậy?
LLH: Món chua cay không hẳn gây viêm loét dạ dày nếu như vẫn giữ được cán cân quân bình giữa dịch vị và chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trái lại, món ngon ngọt khi vào đến đường tiêu hóa dễ chuyển thể thành chất kích ứng niêm mạc dạ dày. Quan trọng hơn nhiều là tránh món ăn đã từng gây vì đó là đòn bẩy khiến bệnh tái phát.
NĐT: Có người khuyên nên nhai thật chậm để trị đau bao tử, xin cho biết đúng hay sai?
LLH: Người đau dạ dày cần có bữa ăn thật chậm rãi để thức ăn được xay nhuyễn và nhào đều với nước bọt trước khi vào đến dạ dày. Nên khai vị với chén canh và uống nước từng ngụm trong bữa ăn để tiếp tay trung hòa dịch vị. Bên cạnh đó, nên tập thói quen uống ngay ly nước lớn khi vừa thức dậy để trung hòa lượng nước chua tích lũy trog dạ dày suốt đêm. Ngoài ra, không nên ăn quá trễ để tránh tình trạng lên men trong khung ruột nhưng cũng đừng để bụng quá đói trước khi đi ngủ vì cảm giác chưa no là lý do khiến dịch vị được bài tiết trong giấc ngủ. Uống thuốc trước khi ngủ vì thế thậm chí quan trọng hơn trong ngày, nhất là người đang trong tâm trạng lo lắng.
NĐT: Độc giả của Người Đô Thị chắc chắn đang chờ đợi ít lời khuyên tâm đắc của bác sĩ trong quá trình điều trị rất nhiều bệnh nhân đau khổ vì căn bệnh này.
LLH: Muốn đừng vì viêm loét dạ dày mà mất chất lượng của cuộc sống nến lưu ý chiến thuật “4 đừng". Đó là:
• Đừng trị bệnh theo triệu chứng
• Đừng ngưng thuốc quá sớm
• Đừng chữa bệnh đơn phương
• Đừng tiếp tay với căn bệnh thông qua nếp sinh hoạt khiến thặng dư chất chua trong dạ dày.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
👉 👉 Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để có nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC VỀ BỆNH ĐAU DẠ DÀY CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG:
2. TẠI SAO VIÊM LOÁT DẠ DÀY LÂU LÀNH. Xem tại: https://bit.ly/3sXX0c2
3. ĐỪNG XEM THƯỜNG BỆNH DẠ DÀY! Xem tại: https://bit.ly/3vVFXJQ
4. CĂNG GÌ THÌ CĂNG, ĐÙNG CĂNG RUỘT. Xem tại: https://bit.ly/3sYz88r
5. LỰA GIỜ UỐNG THUỐC. Xem tại: https://bit.ly/3660T62
6. TRÁI NÀO LÀ BẠN CỦA DẠ DÀY. Xem tại: https://bit.ly/3Cwgec6
7. KHÔNG ĐÓI CŨNG ĂN RAU! Xem tại: https://bit.ly/3MByVzH