THỂ THAO cũng là DAO HAI LƯỠI.

(Biên soạn bởi Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng)

Mười người hết chín hiểu rõ là thể dục thể thao có ích cho sức khỏe. Nhưng không vì thế mà ai ai cũng sẵn sàng bỏ giờ để vận động. Bằng chứng là vẫn còn nhiều người chọn thái độ “bình chân như vại” để nói không với thể dục, để quay mặt với thể thao.

Thể thao cũng là dao hai lưỡi.

Không tập thể dục thường lệ, không chơi thể thao thường kỳ tất nhiên không tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là càng vận động trên thao trường càng hay. Trong một số trường hợp, hoạt động thể dục thể thao thái quá về cường độ, hay phiến diện về hình thức, thậm chí đi ngược với mục tiêu của người tập. Đó là khi “vận động viên” vì quá tận tụy nên chọn nhầm hình thức thể dục thể thao không thích hợp với thể trạng của đối tượng. Xe còn phải được thử máy, thử thắng thì người trước khi chạy bộ cũng nên rà lại chức năng của trái tim để phòng tránh cảnh “lực bất tòng tâm” ít khi báo trước!

Tình trạng này càng nên được lưu tâm hơn nữa cho người trước đó vốn thờ ơ với thể dục bỗng lao vào hoạt động thể thao thái quá sau khi phát hiện căn bệnh nào đó theo kiểu cứ như tập càng nhiều càng mau hết bệnh. Thay đổi nếp sinh hoạt từ tĩnh sang động là tốt, nhưng không nên nhắm mắt tham gia thể dục thể thao ào ào nếu đã là đối tượng của các nhóm “rủi ro cao” bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì, nghiện thuốc lá, bệnh tim bẩm sinh, cao huyết áp.

Cẩn tắc vô áy náy. Nên đến thầy thuốc để được đánh giá chính xác về khả năng và mức độ tham gia hoạt động thể dục thể thao. Thông thường, thầy thuốc không thể “trông mặt bắt hình dong” mà phải tiến hành một số biện pháp chẩn đoán như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, xét nghiệm lactate, dung khí phổi và cơ điện đồ, trước khi đi đến kết luận là “thân chủ” nên chơi môn thể thao nào, nên lưu ý điều gì khi ra sân, nên chơi đến mức nào và nên bồi dưỡng như thế nào sau mỗi lần thao trường đổ mồ hôi.

Nhờ vận động mà xương khó loãng. Nhờ thể dục thể thao mà huyết áp được cải thiện. Nhưng mặt khác, đừng quên chuyên gia ngành thể dục thể thao ở đại học Cologne đã chứng minh là:

  • Thiếu nữ chơi thể thao quá độ dễ bị rối loạn nội tiết tố chẳng khác nào mãn kinh.
  • Phụ nữ ở tuổi mãn kinh lạm dụng thể dục thể thao là đối tượng dễ bị thoái hóa khớp hơn đồng niên cũng chơi nhưng trên tinh thần không cần nhiều, chỉ cần đều.
  • Người chơi thể thao quá nhiều vào buổi tối dễ mất ngủ vì thiếu manhê, khoáng tố cần thiết để hỗ trợ trái tim và bộ não. Hậu quả là đường huyết dễ dao động và mở ngõ cho bệnh tiểu đường.

Nhiều người vẫn còn nhớ cha đẻ của phương pháp chạy jogging buổi sáng đã bỏ cuộc chơi như thế nào. Vì nhồi máu cơ tim sau một buổi thao dượt như mọi ngày. Đó không là trường hợp cá biệt. Không thiếu người chạy quanh sân vận động rồi bất ngờ đổi hướng đến thẳng… bệnh viện! Nói thế không để bài kích. Tập thể dục, chơi thể thao là đúng, là chuyện nên làm. Nhưng đúng hơn nữa là chơi sao cho khéo, chơi sao cho tới bến, nhưng đừng “tới luôn bác tài, còn chơi hết thôi”. Gãy gánh dọc đường là chuyện rủi ro có thể xảy ra cho mọi người, nhưng đừng gãy gánh dọc đường chỉ vì đòn gánh quá mong manh.

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

==> Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay