Thêm NẤM bớt THUỐC
Bệnh do thiếu sinh tố B3 thường gắn liền với chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm. Một thí dụ điển hình là bệnh pellagra hiện vẫn còn hoành hành ở các nước gặp nạn đói kinh niên, như ở châu Phi, với dấu hiệu điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, nôn mửa, động kinh, rối loạn tâm thần …
Thông thường, không dễ thiếu sinh tố B3 đến độ sinh bệnh, cho dù hàm lượng niacin trong nhiều loại thực phẩm tương đối thấp, nhờ sinh tố này được cơ thể sản xuất một cách gián tiếp từ chất đạm tryptophan có nhiều trong sữa, trứng, thịt, đậu và nấm. Do đó, dù chay hay mặn đều khó thiếu niacin. Thêm vào đó, nhu cầu hàng ngày về niacin cũng không cao và chỉ bội tăng ở thai phụ, người lao động nặng, vận động viên chuyên nghiệp, trong trường hợp bội nhiễm nhiều ngày đi kèm với sốt, hay ở người thường dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần.
Do công năng đa dạng, nhất là vì tác dụng chuyển hoá chất đạm, niacin thường được dùng vừa như tá dược để hỗ trợ tác dụng của nhiều loại dược phẩm như thuốc kháng viêm, hưng phấn thần kinh, hạ huyết áp, chống co thắt phế quản, chống thiếu máu, trị thấp khớp, hạ chất mỡ trong máu…
Đợi chi đến hãng thuốc, do sự hiện diện của sinh tố B3 trong nhiều loại nấm, người phải dùng các loại thuốc nêu trên nên chủ động kết hợp các loại nấm cho thường trong khẩu phần hàng ngày. Nếu dư giả chọn nấm đông cô, nếu eo hẹp thì nấm rơm cũng nên thuốc.
Tăng liều lượng thuốc đặc hiệu để có tác dụng mạnh hơn, nhanh hơn, lâu hơn là chuyện dễ làm. Khéo hơn nhiều là ứng dụng kiến thức về dinh dưỡng để bớt thuốc mà vẫn hiệu quả. Từ hay đến khéo chính là bề sâu của y thuật.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.